Back

Quà tặng đặc biệt: TRỌN BỘ BÍ QUYẾT SỐNG CÒN CHO DÂN CONTENT 

Hướng dẫn 3 công thức Storytelling hiệu quả cho dân content
Hướng dẫn 3 công thức Storytelling hiệu quả cho dân content

Hướng Dẫn 3 Công Thức Storytelling Hiệu Quả Cho Dân Content

Storytelling is the most powerful way to put ideas into the world today. – Robert McKee

Như Robert McKee đã từng nói: Kể chuyện chính là cách mạnh mẽ nhất để đưa ý tưởng vào thế giới ngày nay. Không thể phủ nhận, Storytelling có một sức hút mãnh liệt và đang dần có chỗ đứng trong các chiến dịch Marketing của các nhãn hàng, thương hiệu.

Nối tiếp bài viết trước về các cấu trúc Content Storytellingđây sẽ là 3 công thức Storytelling thổi hồn cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và kịch tính. Cùng HomeNext Academy theo dõi qua bài viết này nhé.

HomeNext Academy tặng bạn bộ tài liệu Storytelling HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ.

tải ngay [Tài liệu] Storytelling - Chạm đến cảm xúc khách hàng bằng câu chuyện

1. Cấu trúc Hành trình của người hùng (The Hero’s Journey)

Hành trình của người hùng là một cấu trúc kể chuyện khá quen thuộc đối với các truyền thuyết dân gian. Dạng câu chuyện này thường kể về những anh hùng bước vào một cuộc phiêu lưu, chiến thắng những khó khăn và thay đổi cuộc sống xung quanh.

1.1. Mô hình 9 bướccông thức storytelling: hành trình người anh hùng - mô hình 9 bước

– Hồi 1: Nhân vật – bình yên và biến động:

An toàn – Biến động – Vượt lên.

– Hồi 2: Thách thức – xung đột và thất bại:

Người thầy – Thử thách – Cám dỗ – Thất bại.

– Hồi 3: Vực dậy, một mất một còn, chiến thắng trở về:

Đứng lên – Chiến thắng.

Một ví dụ rất quen thuộc cho cấu trúc này chính là truyền thuyết Thánh Gióng:

– Hồi 1

Vào đời Hùng Vương thứ 6 có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một mình. Như thường lệ, một buổi sáng bà thức dậy rồi đi thăm nương. (An toàn)

Bà trông thấy một vết chân rất to giẫm nát cả mấy luống cà của mình, liền đặt chân mình ướm thử. Không ngờ bà về nhà liền mang thai. (Biến động)

Mười hai tháng sau, bà sinh ra được một người con trai, đặt tên là Gióng. (Vượt lên)

– Hồi 2

Cậu bé Gióng lên 3 tuổi mà vẫn không biết nói hay biết cười. Lúc bấy giờ, giặc Ân đến xâm lược nước ta, nhà vua muốn tìm người tài đánh giặc cứu nước. Một hôm sứ giả đến làng của Gióng, mẹ Gióng đang ru con thì Gióng bất ngờ mở miệng nói: “Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con.” (Người thầy)

Gióng nói với sứ giả một cách chững chạc, bảo ông về tâu với nhà vua rèn cho cậu một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một áo giáp sắt và một nón sắt để đánh giặc.

Mẹ cùng cả làng hợp sức nấu cơm, đem đến nhà Gióng bao nhiêu gạo khoai, hoa quả bánh trái. Gióng ăn rất khoẻ, lớn nhanh như thổi. Quân sĩ vừa đem ngựa gươm áo nón đến, Gióng vươn vai thành một thân sừng sững lên đường đánh giặc. (Thử thách)

Gióng thúc ngựa xông đến đồn giặc chỉ trong chốc lát. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Bỗng chốc, gươm sắt bị gãy. (Thất bại)

– Hồi 3

Gióng không chút bối rối, thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường đánh tan quân giặc. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc Sơn. Gióng cởi bỏ áo nón sắt, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng về trời. Sau khi thắng trận, vua Hùng cho người lập đền thờ Thánh Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng Thiên Vương để nhớ ơn người anh hùng. (Đứng lên và chiến thắng)

Mô hình này cũng được áp dụng khi kể về câu chuyện của một CEO công ty Startup, được thực hiện theo các bước tương tự:

Vùng an toàn -> Vùng sợ hãi (quan trọng) -> Vùng chiến đấu & tổn thương -> Vùng học hỏi & trưởng thành -> Vùng bứt phá trong tương lai.

Thêm một ví dụ từ câu chuyện của CEO Dương Tống qua trang web duongtong.com:

CEO Dương Tống sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Hương Sơn – một huyện thuộc dải đất miền Trung đầy nắng gió – Hà Tĩnh… (An toàn)

Anh từng làm qua công việc bán hàng tại các công ty: bán xe tải, xe bus tại Hyundai Parts & Services,… (Sợ hãi)

Anh từng khởi nghiệp một lần vào năm 2011 nhưng thất bại… (Chiến đấu và tổn thương)

Sau đó học hỏi được rất nhiều trong quãng thời gian công tác tại CBRE Việt Nam,… (Học hỏi và trưởng thành)

Hiện tại anh đang điều hành hai công ty HomeNext và On Home Asia. Ngoài ra, anh còn làm các công việc về cố vấn chiến lược, đào tạo bán hàng… Và là đối tác chiến lược của khoa Kinh tế trường ĐH Thủ Dầu Một,… (Bứt phá trong tương lai)

Bạn mong muốn tạo ra những bài viết chuyên nghiệp và thu hút? Nhanh tay đăng ký khóa đào tạo cho doanh nghiệp của bạn NGAY HÔM NAY.

New call-to-action

1.2. Mô hình 12 bước

công thức storytelling: hành trình của anh hùng - mô hình 12 bước

Với mô hình The Hero’s Journey 12 bước, để dễ dàng hình dung chúng ta có thể ứng dụng vào một bộ phim rất nổi tiếng của Walt Disney năm 2014 – Big Hero 6:

– Hồi 1:

1. Thế giới bình thường: 

Đây là môi trường nơi người anh hùng sống. Nơi đây đại diện cho câu chuyện, nguồn gốc của nhân vật chính và bối cảnh mà nhân vật được đưa vào.

Ví dụ:

Chuyện phim xảy ra ở thành phố hư cấu San Fransokyo. Hiro Hamada là một thần đồng chế tạo trẻ tuổi, tuy là thiên tài công nghệ nhưng lại phí thời gian vào những cuộc đấu robot trái phép.

2. Đến với cuộc phiêu lưu:

Trong giai đoạn này, thử thách xuất hiện. Nó thúc đẩy anh hùng rời khỏi vùng an toàn của mình và giải quyết một vấn đề.

Ví dụ:

Anh trai của Hiro là Tadashi đã đưa em trai mình đến phòng thí nghiệm công nghệ tại viện Công nghệ San Fransokyo vì sợ đứa em bỏ phí tài năng của mình. Ở đây cậu gặp bạn bè của anh trai mình, và Baymax – robot chăm sóc sức khoẻ do Tadashi chế tạo.

3. Từ chối thử thách: 

Lúc đầu, nhân vật chính từ chối một cách tự nhiên hoặc mất một lúc để chấp nhận thử thách. Có chăng là vì nhân vật không cảm thấy an toàn hoặc cảm thấy không đủ khả năng.

Ví dụ:

Để được vào học trong viện nghiên cứu, Hiro phải sáng chế ra một thứ gì đó thật hay ho để đến buổi trưng bày thường niên của trường. Tuy nhiên cậu đã bỏ cuộc sau vài bản thảo vì thiếu ý tưởng. Anh trai Tadashi đã xốc lại tinh thần cho Hiro, nhờ đó cậu làm ra phát minh Bọ siêu nhỏ: đám robot có kích thước nhỏ có thể liên kết với nhau bằng bộ điều khiển thần kinh.

4. Gặp mặt cố vấn: 

Khi anh hùng đi đến giai đoạn này, họ tìm thấy một người cố vấn. Đó có thể là một người thầy, một người khôn ngoan, một người mà họ có thể gửi gắm niềm tin,… Điều này giúp nhân vật chính có động lực để chấp nhận cuộc hành trình.

Ví dụ:

Nhờ những lời động viên của anh trai: “Nhìn theo khía cạnh khác.” Hiro thành công gây ấn tượng bằng Bọ siêu nhỏ với giáo sư Callaghan – trưởng khoa robot. Ông đã chấp nhận cho Hiro học tại trường. Bất ngờ có một đám cháy bốc ​​lên tại hội trường, Tadashi xông vào cứu Callaghan, nhưng anh không may qua đời.

– Hồi 2:

5. Vượt qua cửa ải đầu tiên: 

Người hùng rời khỏi thế giới bình thường và đi qua ngưỡng cửa đầu tiên để dẫn đến một chiều không gian khác. Đây là một nơi đặc biệt và huyền diệu, nơi họ sẽ sống trong những cuộc phiêu lưu và khám phá.

Ví dụ:

Sau cái chết của anh trai, Hiro chịu đả kích quá lớn và càng tự thu mình lại. Một ngày nọ, cậu vô tình kích hoạt Baymax và tìm thấy một con Bọ siêu nhỏ trong túi áo. Hoá ra nó còn hoạt động.

Hiro và Baymax đi theo dấu vết kết nối của Bọ siêu nhỏ. Họ tìm đến một nhà kho bỏ hoang, nơi đó đang sản xuất hàng loạt Bọ siêu nhỏ. Sau đó cả hai bị tấn công bởi một người đàn ông đeo mặt nạ Kabuki.

6. Thử nghiệm, đồng minh, kẻ thù: 

Người anh hùng sẽ trải qua những thử thách, vấn đề và thử nghiệm, ngoài việc đối mặt với một số nghi ngờ sẽ nảy sinh, bên cạnh việc phải đối mặt với kẻ thù của mình. Mặt khác, họ cũng sẽ dựa vào các đồng minh và học hỏi các quy tắc của vũ trụ mới.

Ví dụ:

Hiro nghi ngờ tên đeo mặt nạ đó có liên quan đến cái chết của anh trai, liền trang bị cho Baymax áo giáp và con chip có chứa các thế võ. Sau khi chạm tráng thất bại với người đàn ông đó, Hiro, Baymax và những người bạn thân của Tadashi đã thành lập một biệt đội siêu anh hùng lên đường truy tìm danh tính kẻ đeo mặt nạ đó.

7. Tiếp cận hang động trong cùng: 

Người hùng đang tiến gần hơn đến mục tiêu của mình, họ có thể vẫn phải tiếp tục vượt qua những thử thách và đối mặt với những trở ngại mới.

Ví dụ:

Cả biệt đội anh hùng được Baymax đưa đến một hòn đảo bị cách ly, nơi mà cảm biến của Baymax tìm thấy vị trí của tên đeo mặt nạ. Họ thấy biểu tượng hình chim én và một video thí nghiệm về cổng siêu không gian.

Biệt đội đã phát hiện ra người phi công đi qua cổng siêu không gian chính là con gái của Callaghan, Abigail. Khi tên đeo mặt nạ xuất hiện, họ phát hiện đó chính là giáo sư Callaghan.

8. Thử thách: 

Đây là thời điểm mà người hùng phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong cuộc phiêu lưu của họ. Đó có thể là khoảnh khắc khiến cuộc sống của những người thân yêu, hoặc thậm chí của chính họ, vào tình thế nguy hiểm, như chia ly, bệnh tật… Đó là khoảnh khắc kịch tính nhất trong câu chuyện.

Ví dụ:

Vì lý do cánh cổng đó bị hỏng khiến con gái của Callaghan bị mắc kẹt trong đó, cho nên ông trả thù Krei cho cái chết của con gái mình, do sự chủ quan mà Krei gây ra. Hiro bắt Baymax giết ông bằng cách rút chip dữ liệu y tế. Điều đó khiến Baymax trở nên tàn bạo với mục tiêu tiêu diệt tên giáo sư. Nhưng cả nhóm đã ngăn cản Baymax bằng cách gắn chip trở lại. Hiro tức giận bỏ đi.

9. Phần thưởng: 

Người anh hùng vượt qua được thử thách khó khăn hoặc đau thương. Họ vượt qua nỗi sợ hãi và được khen thưởng vì đã chấp nhận thử thách.

Ví dụ:

Nhưng khi Hiro nhìn thấy những hình ảnh của anh trai từ đoạn phim Baymax chiếu. Hiro nhìn thấy quá trình Tadashi chế tạo nên Baymax, thấy được anh trai mình đã hạnh phúc như thế nào, cậu hối hận nhận ra sai lầm của mình.

– Hồi 3:

10. Con đường trở lại: 

Đã đến lúc trở về thế giới bình thường. Người hùng quay trở lại nơi họ đã đến. Tuy nhiên, vẫn còn một số thứ đang chờ họ ở phía trước.

Ví dụ:

Cuối cùng, Hiro tập hợp lại cả nhóm và lên đường ngăn chặn âm mưu của Callaghan. Sáng hôm sau, khi mà lễ khai mạc Krei Tech đang diễn ra, Callaghan đến để trả thù. Hắn cho lũ bọ siêu nhỏ của mình lắp một cái cổng siêu không gian lấy từ hòn đảo để hút cả toà nhà và Krei vào đó.

11. Sự sống lại: 

Trong giai đoạn này, nhân vật có thể tìm thấy một thử thách mới, điều gì đó chưa được giải quyết trong suốt câu chuyện. Bước này có mục đích cứu vãn kịch tính của câu chuyện và tạo cảm xúc cho đoạn kết.

Ví dụ:

Sau một hồi chiến đấu quyết liệt, cuối cùng thì biệt đội anh hùng đã hạ gục Callaghan và lũ bọ siêu nhỏ. Nhưng bất ngờ cảm biến của Baymax phát hiện ra con gái của Callaghan vẫn còn sống bên trong cổng không gian.

Hiro và Baymax vào trong cái cổng sắp bị nổ tung để cứu con gái Callaghan. Nhưng vì đỡ cho Hiro khỏi tai nạn bất ngờ, phản lực trong bộ giáp của Baymax bị hỏng. Baymax quyết định hy sinh để cứu Hiro và Abigail.

12. Quay về nhà: 

Đây là khoảnh khắc khi người hùng trở về nhà, với một góc nhìn cuộc sống mới dựa trên những trải nghiệm mà họ đã trải qua. Họ trở thành một người mới và có nhiều điều để chia sẻ với người khác. Trong một số câu chuyện, công thức được sử dụng nhằm mục đích giúp đỡ mọi người, những lời dạy được truyền lại và đạo đức của câu chuyện được lan truyền.

Ví dụ:

Cuối cùng Callaghan bị cảnh sát bắt, còn Abigail được đưa đi cấp cứu.

Vài tuần sau, Hiro đã nhập học tại trường, ở tại chính căn phòng mà anh trai cậu từng sống. Bất ngờ cậu phát hiện ra con chip màu xanh, vốn là linh hồn của Baymax, vẫn còn trong cánh tay của bộ giáp còn sót lại sau khi cứu Abigail.

Hiro đã chế tạo một Baymax mới với tấm thẻ xanh cũ. Baymax như hồi sinh, ôm Hiro vào lòng. Phim kết thúc với cảnh cả biệt đội đang bay lượn quanh San Fransokyo.

>>> Tìm hiểu thêm về The Hero’s Journey: 12 bước làm nên hành trình của người hùng

2. Vòng tròn câu chuyện Dan Harmon

Cách diễn giải về vòng tròn câu chuyện của Dan Harmon mang tính trừu tượng. Vì thế nội dung của 8 bước này không chỉ nên được hiểu theo nghĩa đen.

công thức storytelling: vòng tròn câu chuyện của Dan Harmon

2.1. You: Nhân vật

“Nhân vật” ở đây chỉ những sự vật mà câu chuyện xoay quanh. Đó có thể là một người, nhiều người, một con chó, một món đồ,…

“Khu vực an toàn” chỉ trạng thái ban đầu của “nhân vật”. Cuộc sống hiện tại của nhân vật như thế nào? Trạng thái cảm xúc của nhân vật lúc câu chuyện bắt đầu như thế nào?…

Phần mở đầu câu chuyện không cần quá rườm rà để ngay lập tức kết nối với khán giả.

Ví dụ: An năm nay 25 tuổi, đang là một nhân viên văn phòng bình thường. Ban ngày đi lên công ty làm việc. Tối về vùi đầu vào tập thiết kế.

2.2. Need: Nhu cầu

“Nhu cầu” chính là thứ để câu chuyện thực sự bắt đầu.

Khi nhu cầu của nhân vật xuất hiện, cuộc sống an toàn của nhân vật trở nên bất ổn. Nó khiến cho nhân vật rơi vào tình huống buộc phải thay đổi. Một thay đổi vô cùng khó khăn.

Nhu cầu đó xuất hiện như thế nào? Đó có thể là một tình huống khó khăn hay một mục tiêu mới hình thành. Và nhu cầu này cần phải đủ mạnh mẽ để khán giả tò mò: liệu nhân vật chính có đạt được nó hay không?

Ví dụ: Bỗng một ngày, chiếc ghế trưởng phòng marketing không còn người ngồi nữa. Ý chí của An bắt đầu thôi thúc anh ta cạnh tranh với 4 người đồng nghiệp khác để có được vị trí béo bở này.

2.3. Go: Bước ra khỏi vùng an toàn

Nhân vật phải quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình vì sự thúc ép của “nhu cầu” và không có lựa chọn nào khác.

Khi ra khỏi vùng an toàn của mình, họ đến một “tình thế không quen thuộc”. Đó có thể là một nơi ở mới, một cuộc sống mới hay một công việc mới. Nó mang hơi hướng tích cực, kỳ thú như Harry Potter hay đầy rẫy sự khó khăn, khổ sở như The Hunger Games.

Ví dụ: Sau khi quyết tâm cạnh tranh vị trí trưởng phòng marketing, An thấy bản thân cần có sự thay đổi trong cuộc sống nên quyết định chốt đơn một lượt… 5 cuốn sách về marketing.

2.4. Search: Tìm kiếm và thích nghi

Sau khi đẩy nhân vật ra khỏi vùng an toàn và đến một thế giới hoàn toàn mới, đây là lúc để nhân vật tìm kiếm thứ mà họ muốn.

Sự “tìm kiếm” này, theo lời tác giả có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Đó có thể là “thích nghi”, là “vượt qua thử thách”… tuỳ vào thể loại câu chuyện mà bạn kể.

Ví dụ: Dù bản thân phải chật vật vượt qua cơn buồn ngủ khi đọc sách, An vẫn rất cố gắng tìm hiểu kĩ càng về marketing cũng như áp dụng những kiến thức mới vào công việc, hiệu suất làm việc của An bắt đầu tăng cao. Kết hợp với khả năng thiết kế tài tình, sếp bắt đầu thấy ấn tượng và cân nhắc cho anh ta trong cuộc đua đến chiếc ghế trưởng phòng.

2.5. Find: Đạt được kết quả

Trải qua một nửa cuộc hành trình, quay cuồng trong “thế giới mới”, nhân vật cuối cùng cũng đạt được một kết quả gì đó.

Kết quả mà nhân vật đạt được có thể là thất bại hoặc thành công hoàn toàn, thất bại hoặc thành công một nửa, thất bại hoặc thành công nhưng có một cái giá phải trả.

Ví dụ: Với kết quả thi đua xuất sắc, An tiến gần hơn đến chiến ghế trưởng phòng. Tưởng chừng như có được vị trí đó trong tầm tay, trong buổi thuyết trình cuối cùng, An không ngờ bị Bình – một trong 4 người đồng nghiệp cùng cạnh tranh chức trưởng phòng – sao chép dữ liệu và thuyết trình trước. An không kịp trở tay, bài thuyết trình không thể hoàn thành. Bình trở thành trưởng phòng, còn An thành kẻ thua cuộc.

2.6. Take: Trả giá

Sau khi gặp vấn đề, nhân vật nhận ra nhu cầu cần thay đổi của mình. Đây là một sự thay đổi thực sự và hành động của nhân vật trở nên khôn ngoan hơn với khám phá mới này.

Thế nhưng anh ta buộc phải trả một cái giá nào đó vì điểm yếu của chính mình. Cái giá phải trả càng đắt, câu chuyện càng trở nên kịch tính. Cái giá này giúp cho nhân vật nhận ra được bài học và vượt qua điểm yếu của mình.

Ví dụ:

Sau khi thua cuộc, dù rất buồn nhưng An vẫn vùi đầu vào công việc như mọi ngày. Tuy nhiên, trong một lần nghỉ trưa ở quán cơm gần công ty, An vô tình nghe được cuộc hội thoại giữa Bình và Công – một trong các đối thủ còn lại. Vì thế, An biết hết mọi chuyện.

Bình thường An mang cơm tự nấu, nhưng hôm ấy nhà An mất điện nên anh quyết định ăn ngoài một bữa. Bình vẫn tưởng An ở công ty nên không để ý. Từ đó, An quyết định tìm bằng chứng để vạch mặt Bình. Dù trước đây hai người là bạn thân, An đã suy nghĩ rất nhiều về tình bạn này và đi đến quyết định cuối cùng.

2.7. Return: Trở về

Đây là lúc câu chuyện chuyển sang bước ngoặt thứ 2. Nếu câu chuyện là một cuộc hành trình, thì “trở về” sẽ được hiểu theo đúng nghĩa đen.

Với những câu chuyện khác, “trở về” còn có nghĩa là “đối mặt”. Nhân vật đối mặt trực tiếp với vấn đề – đối mặt với thử thách cuối cùng. Họ quyết định hành động để giải quyết vấn đề và học được bài học từ nó. Sự “trở về” thúc đẩy kịch tính của câu chuyện lên cao, khiến khán giả hồi hộp chờ đợi xem nhân vật chính sẽ thành công hay thất bại.

Ví dụ: Sau khi tìm được bằng chứng từ camera của công ty, An trình lên với sếp. Dù đã từng rất thân với Bình, nhưng anh quyết phải làm sáng tỏ sự việc và dạy cho Bình một bài học về sự dối trá. Biết được mọi chuyện, sếp thẳng tay cách chức Bình và cho An một cơ hội để thuyết trình lại.

2.8. Change: Thay đổi

Sau khi trải qua tất cả những thử thách, ở bước cuối cùng của vòng tròn câu chuyện này, nhân vật cần phải thể hiện bản thân họ đã trưởng thành như thế nào sau cuộc hành trình gian nan đó.

Nhân vật đã loại bỏ điểm yếu của mình chưa? Nhân vật đã giải quyết được vấn đề của mình chưa? Nhân vật đã đánh bại được đối thủ xấu xa của mình chưa?…

Chính nhờ cuộc hành trình này mà nhân vật thay đổi. Và khán giả sẽ tìm được câu trả lời cho các câu hỏi: Nhân vật thành công hay thất bại? Nhân vật có sự khác biệt gì so với ban đầu? Bài học ở đây là gì?

Có một trick mà tác giả Dan Harmon nhắc tới. Đó là kết nối bước số 4 (Search) và bước số 8 (Change) – hai bước đối diện nhau.

Ví dụ:

An đã không bỏ lỡ cơ hội thuyết trình lần hai quý báu này. Anh đã thay đổi giao diện của bài thuyết trình và chỉnh sửa rất nhiều nội dung. Từ một người không có gì nổi bật, An đã hoàn toàn lấy được thiện cảm từ sếp vì những thiết kế sáng tạo đẹp mắt và sự tự tin với những gì mình làm ra. An trở thành trưởng phòng marketing tiếp theo của công ty. Còn Bình bây giờ chỉ có thể đi làm tạp vụ.

Và để hình dung một cách đơn giản nhất, ta có công thức như sau:

Vòng tròn câu chuyện = Cấu trúc 3 hồi + Hành trình của anh hùng

Hay nói cách khác, vòng tròn câu chuyện chính là Hành trình của anh hùng được tái cấu trúc lại theo Cấu trúc 3 hồi.

>>> Tìm hiểu thêm về các công thức sáng tạo content theo nghệ thuật kể chuyện bên dưới đây:

Cấu trúc 3 hồi trong Storyteling: Tuyệt chiêu để có một câu chuyện hấp dẫn

22 quy tắc kể chuyện của Pixar: các bài học cho biên kịch mới

Story Circle: Vòng tròn câu chuyện của Dan Harmon

Kết luận

Để một chiến dịch Marketing chạm đến cảm xúc của khách hàng, rất cần những câu chuyện mang tính đột phá. Câu chuyện đó phải liên quan đến thương hiệu, đến sản phẩm, đến đúng vấn đề mà khách hàng đang quan tâm. Nhưng làm thế nào để sử dụng các công thức storytelling hiệu quả nhất cho marketing? Đừng lo, các bài viết về Storytelling vẫn còn đang chờ bạn ở phía trước, hãy đón đọc ở những phần tiếp theo.

Và nếu bạn muốn hiểu rõ sức mạnh khi áp dụng công thức Storytelling trong marketing là gì? Đừng ngần ngại đăng ký ngay khóa học “STORYTELLING – Liều thuốc tiên cho marketing BẤT ĐỘNG SẢN” để khám phá những kiến thức đầy đủ nhất về dạng tiếp thị này nhé! 

Storytelling cho marketing bất động sản

Liên hệ đến Hotline 0903 140 768 để được tư vấn chi tiết về các khóa học:

Hãy truy cập Website: HomeNext Academy hoặc đăng ký kênh Youtube/Tik Tok để cập nhật kiến thức mới nhất nhé!

đơn vị đào tạo và tư vấn hàng đầu Bình Dương Homenext academy
Đăng ký kênh TikTok của HomeNext Academy

"KHÁM BỆNH" CHO DOANH NGHIỆP

Bạn đang muốn đánh giá tổng quan doanh nghiệp? Bạn đang muốn biết điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp của mình? Nhưng bạn không biết bắt đầu từ đâu và đánh giá như thế nào? Đừng lo lắng chúng tôi sẽ giúp bạn. HomeNext Academy sẽ “khám bệnh” cho doanh nghiệp để đưa ra đánh giá tổng quan về tình hình hiện tại. Hãy để lại thông tin ở Form đăng ký bên dưới, đội ngũ chuyên gia chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay. HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ

Đăng ký nhận tư vấn dịch vụ HomeNext Academy

ĐĂNG KÝ KHÁM BỆNH CHO DOANH NGHIỆP

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ

GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ