Phim của Pixar là một trong những câu chuyện được xây dựng kỹ lưỡng nhất trong lịch sử điện ảnh. Và vì vậy, không có gì lạ khi dường như có những quy tắc kể chuyện của Pixar mà các nhà biên kịch và đạo diễn của những bộ phim này thường tuân theo.
Vào năm 2011, Emma Coats, một họa sĩ truyện của Pixar, đã viết và tweet một danh sách “Các quy tắc của câu chuyện” mà cô ấy học được khi làm việc cho Pixar. Những quy tắc này cực kỳ hữu ích cho các nhà biên kịch, không chỉ cho kịch bản phim hoạt hình mà cho bất kỳ thể loại nào.
Dưới đây là những quy tắc kể chuyện của Pixar có thể cho bạn những bài học bổ ích trong quá trình viết của mình.
HomeNext tặng bạn bộ tài liệu Content Marketing HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ
1. Quy tắc số 1: Chúng ta ngưỡng mộ sự cố gắng của nhân vật hơn chiến thắng của họ
Bạn nên ngưỡng mộ một nhân vật vì sự cố gắng hơn là thành tựu mà họ đã đạt được
Với hầu hết khán giả, nhìn thấy nhân vật yêu thích của mình đạt được mục tiêu chính là điều mà họ hy vọng trong suốt bộ phim. Tuy nhiên, không phải vì nhân vật đó chiến thắng mới khiến cho khán giả yêu mến nhiều như vậy. Thay vào đó, sự cố gắng ngay từ đầu của nhân vật dù tỷ lệ chiến thắng rất thấp là thứ đã làm cho khán giả chú ý.
Quy tắc kể chuyện Pixar đầu tiên này được sử dụng lần đầu tiên trong Cars (Vương quốc xe hơi). Bộ phim theo chân chiếc xe đua Lightning McQueen, người có ước mơ lớn nhất là giành được chiếc cúp The Piston. Tuy nhiên, khi Lightning bị mắc kẹt trong một thị trấn có tên là Radiator Springs, anh ta phải khắc phục những thiệt hại mà mình đã gây ra cho các con đường trước khi có thể tham gia cuộc đua.
Mặc dù khán giả ủng hộ Lightning giành cúp, nhưng hành trình của anh ấy mới là điều quan trọng. Ban đầu Lightning trông có vẻ đáng ghét nhưng sau đó, anh ta gặp được một số người bạn tốt và học được những bài học cuộc sống quan trọng. Từ đó Lightning trở thành một con người tốt hơn (hay một chiếc xe hơi tốt hơn).
Cuối cùng thì Lightning không thực sự chiến thắng cuộc đua. Nhưng thay vào đó, anh giúp Strip “The King” Weathers hoàn thành chặng đua cuối cùng của mình sau khi Strip bị thương. Điều này mang lại nhiều sự hài lòng hơn thay vì cho Lightning giành được chiếc cúp The Piston.
Nó thực sự chứng minh rằng chúng ta ngưỡng mộ một nhân vật nhiều hơn vì nhân vật đó đã cố gắng và học hỏi trong suốt quá trình đó hơn là vì thành công thực sự của họ. Điều này có thể áp dụng cho bất kì thể loại nào. Đó là một yếu tố quan trọng cần xem xét trong giai đoạn lập kế hoạch, rằng nhân vật của bạn sẽ thử làm gì và họ sẽ học được gì trong quá trình này.
2. Quy tắc số 2: Hãy viết những gì khán giả thấy thú vị, chứ không phải là những thứ mà chúng ta thích
Hãy nhớ rằng, bạn nên viết những gì mà khán giả cảm thấy thú vị, chứ không phải là những thứ mà bạn thích. Bởi vì hai việc này có thể khác nhau đấy.
Quy tắc kể chuyện tiếp theo của Pixar là một quy tắc khá thú vị. Các nhà biên kịch thường bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng mới trong các kịch bản tiếp theo của mình. Tuy nhiên, những ý tưởng này có thể “hay” khi viết nhưng lại không “thú vị” khi xem.
Ví dụ, bạn có thể thêm một cảnh thót tim vào cuối kịch bản của mình, nhưng yêu cầu của cảnh này là một trong những nhân vật yêu thích của khán giả phải chết. Bạn nghĩ rằng điều này sẽ làm cho người xem hứng thú, nhưng nó cũng có thể khiến khán giả của bạn tức giận.
Hoặc bạn có một khoảnh khắc được viết khéo léo với đầy đủ các kỹ thuật đột phá, nhưng khoảnh khắc này chỉ kéo dài khoảng năm phút và khiến người xem mất hứng thú với bộ phim.
3. Quy tắc số 3: Viết lại nhiều lần để tìm ra phiên bản tốt nhất
Cố gắng làm theo chủ đề là rất quan trọng, tuy nhiên bạn sẽ không hiểu câu chuyện là gì cho đến khi nó kết thúc. Giờ thì viết lại thôi.
Quy tắc này cho chúng ta thấy, quá trình viết thường là điều khiến bạn thực sự hiểu được nội dung câu chuyện. Bạn sẽ có ý tưởng về những gì mà bạn đang cố gắng viết.
Tuy nhiên, bạn sẽ không nhận ra những thứ bạn đang cố gắng truyền đạt cho đến khi bạn viết câu chuyện ra thực tế. Ở đó, bạn sẽ thấy tất cả những đường nét của chủ đề mà bạn đang tìm cách thể hiện.
Hơn nữa, quy tắc này nhấn mạnh rằng, quá trình viết lại những thứ vốn có là để viết tốt hơn. Bản nháp đầu tiên không bao giờ là bản hoàn chỉnh. Thay vào đó, bản nháp đầu tiên chính là nền tảng để bạn xây dựng bản chính hoàn chỉnh. Để thực sự nhận ra phiên bản tốt nhất của câu chuyện mà bạn đang viết, việc tìm kiếm các phiên bản khác nhau là một điều vô cùng cần thiết.
4. Quy tắc số 4: Cấu trúc câu chuyện của Pixar
Ngày xửa ngày xưa… Hằng ngày… Một ngày nọ… Vì lý do đó…. Vì lý do đó… Cho đến cuối cùng…
Đây là cấu trúc câu chuyện của Pixar mà HomeNext Academy đã từng đề cập đến trong bài viết về cấu trúc Content Storytelling. Cấu trúc câu chuyện này đặc biệt quan trọng trong việc viết kịch bản và nó thường là thứ mà người đọc kịch bản nghiên cứu khi tìm kiếm những tác phẩm hay. Đây là một mô hình chuyện kể đơn giản nhưng rất hiệu quả. Ở một số tài liệu khác, cấu trúc này có thêm bước số 7 là “Ever since then…” (và mỗi ngày sau đó).
Chúng ta sẽ lấy ví dụ về Toy Story (Câu chuyện đồ chơi).
Ngày xưa có một cậu bé tên là Andy. Mỗi ngày cậu ta đều chơi với món đồ chơi yêu thích của mình là Woody. Một ngày nọ, Andy nhận được một món đồ chơi mới tên Buzz. Vì thế, Woody không còn là món đồ chơi yêu thích của Andy nữa, và rồi Woody đã cố gắng tống khứ Buzz ra khỏi cuộc sống của mình. Trải qua những thử thách, cho đến cuối cùng thì Woody và Buzz trở thành bạn của nhau.
Rõ ràng, đây là một phiên bản đơn giản hoá của bộ phim. Nhưng nó vẫn đưa câu chuyện vào nhịp điệu cốt yếu của nó. Vì vậy, một cấu trúc cơ bản như thế này là nơi tuyệt vời để bắt đầu câu chuyện. Nó cung cấp sự rõ ràng về việc nhân vật chính của bạn sẽ trở thành ai, xung đột chính của họ là gì và bạn muốn họ kết thúc ở đâu. Sau đó, bạn có thể bắt đầu điền các chi tiết vào câu chuyện.
5. Quy tắc số 5: Không cần thiết phải có một cốt truyện phức tạp mới viết nên một câu chuyện hay
Đơn giản hoá. Tập trung. Kết hợp nhân vật. Tránh đi đường vòng. Bạn sẽ cảm thấy dường như mình đang đánh mất những điều giá trị nhưng bạn được tự do sáng tạo.
Một trong những khó khăn của biên kịch là đảm bảo cốt truyện không trở nên quá phức tạp. Đôi khi, điều quan trọng là phải lùi lại và nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn.
Những gì bạn đã viết có thể rất tuyệt. Nhưng nếu một kịch bản trở nên quá phức tạp, nó sẽ làm mất đi ý nghĩa của câu chuyện mà bạn đang cố gắng kể. Nếu việc xoá một cảnh không gây hại cho cốt truyện theo bất kỳ cách nào, hãy xoá nó đi. Việc viết kịch bản của bạn càng tập trung bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Quy tắc này dạy chúng ta rằng không cần thiết phải có cốt truyện phức tạp để viết nên một câu chuyện hay. Nó cũng dạy chúng ta điều quan trọng là phải nhìn thấy bức tranh toàn cảnh khi viết kịch bản.
Những câu hỏi mà bạn có thể tự hỏi là: Điều gì tồi tệ nhất sẽ xảy ra nếu cảnh này bị xoá? Nó có làm thay đổi mạch tường thuật chính không? Trả lời được câu hỏi này sẽ cho phép bạn xem liệu cảnh đó là quan trọng hay chỉ là một đường vòng không cần thiết.
Đăng kí khoá học Marketing dành cho doanh nghiệp NGAY HÔM NAY.
6. Quy tắc số 6: Hãy để nhân vật đối mặt với thách thức
Nhân vật của bạn giỏi ở điểm nào, điều gì khiến họ thoải mái? Ném cho họ một thứ hoàn toàn đối nghịch. Thách thức. Và xem họ sẽ đối mặt với nó như thế nào?
Quy tắc kể chuyện thứ sáu của Pixar có giá trị phát triển cung nhân vật của bạn. Lấy ví dụ như phim Up (Vút bay). Sau cái chết của vợ, Carl đã cho mình một thói quen thoải mái. Ông ấy ở một mình và không chấp nhận bất kì rủi ro nào và nghĩ mình hạnh phúc theo cách đó. Cho đến khi Russell xuất hiện.
Russell là đối cực của ông: trẻ trung, thích mạo hiểm, dễ kích động. Russell thách thức Carl ra khỏi vùng an toàn của ông và chúng ta thấy cách Carl giải quyết vấn đề này trong suốt bộ phim.
Carl trải qua nhiều thăng trầm nhưng cuối cùng ông ấy cũng học được tầm quan trọng của việc có những người khác trong cuộc đời mình. Russell đã thách thức ông ta và cuối cùng ông trở thành một người hạnh phúc hơn vì điều đó.
7. Quy tắc số 7: Nghĩ ra kết bài trước khi viết thân bài
Hãy nghĩ ra kết thúc trước khi viết thân bài. Đây là một lời khuyên nghiêm túc đấy. Viết kết thúc rất khó vì thế hãy dành thời gian hoàn thành nó trước.
Một số người có thể phản đối quy tắc kể chuyện này của Pixar. Tuy nghiên trên thực tế, đây có thể là lời khuyên hữu ích.
Việc vạch ra kết thúc trước tiên sẽ giúp các nhân vật của bạn có một hướng đi, điều mà họ đang hướng tới ngay cả khi họ và khán giả đều chưa biết điều đó. Điều này có thể làm cho phần giữa của bạn trở nên mạnh mẽ hơn nhiều, vì bạn sử dụng phần kết để xây dựng một tuyến cốt truyện căng thẳng hơn.
Chú ý đến từng chi tiết làm cho thế giới câu chuyện trở nên đáng tin và gắn kết hơn. Hơn nữa, nó mang lại cảm giác mọi thứ trong câu chuyện đều có ý nghĩa. Có thể thú vị khi đi theo dòng chảy, nhưng lập kế hoạch cẩn thận thường là chìa khoá để có một kịch bản gắn kết hơn.
Mặc dù mỗi nhà biên kịch đều có quy trình riêng của họ, nhưng thay đổi quy trình đó thường là một cách để thổi luồng sinh khí mới vào văn bản hoặc câu chuyện của bạn.
Vì vậy, hãy tìm ra kết thúc trước và xem nó tạo ra sự khác biệt gì cho quá trình viết của bạn. Nó có thể không hiệu quả với bạn. Nhưng nó sẽ là một cách khác để định hình câu chuyện thành một cấu trúc làm hài lòng mọi người.
8. Quy tắc số 8: Luyện tập là cách tốt nhất để bạn trở nên tốt hơn
Hãy kết thúc câu chuyện của bạn, dù nó không hoàn hảo. Trong thế giới lý tưởng, bạn được quyền có tất cả, tuy nhiên thực tế khó khăn hơn rất nhiều. Cố gắng làm tốt hơn ở lần sau nhé.
Viết kịch bản là một quá trình học hỏi. Đó là không ngừng phát triển các kỹ năng của mình và học hỏi từ những sai lầm. Đôi khi bạn có thể thất vọng khi ý tưởng câu chuyện tuyệt vời của bạn không tạo nên kịch bản xuất sắc như bạn nghĩ. Nhưng nếu bạn thực sự đam mê nó, hãy tiếp tục viết câu chuyện của mình.
Sau khi bạn đi đến kết thúc, bạn sẽ nhìn nhận câu chuyện từ một góc nhìn mới và bạn có thể cải thiện nó. Nếu không, đừng lo lắng về nó. Rất nhiều nhà văn đã mắc sai lầm khi bám vào một kịch bản phim mà họ tin rằng nó sẽ thành công vang dội. Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo cách đó.
Điều tốt nhất cần làm là hoàn thành kịch bản của bạn. Và nếu nó không như bạn nghĩ, đừng để điều đó làm bạn nản lòng. Cứ tiếp tục và học hỏi từ nó.
Bạn có thể tự hỏi những câu hỏi sau đây:
– Mình có thể làm gì khác hơn?
– Có phải toàn bộ cốt truyện đã không thể hoạt động?
– Mình đã viết câu chuyện như một sự kiện nổi bật, nhưng nó sẽ hiệu quả hơn dưới dạng một chương trình truyền hình hoặc phim ngắn hay không?
Ngay cả những nhà biên kịch thành công nhất cũng có những tổn thất của họ. Không phải mọi kịch bản đều có thể thành công, vì vậy hãy lấy nó làm động lực để làm tốt hơn nữa vào lần sau.
Đây vẫn là một bài tập đáng giá để xây dựng và hoàn thành một câu chuyện. Sau tất cả, luyện tập là cách duy nhất để bạn trở nên tốt hơn. Và viết nhiều câu chuyện chưa hoàn thành sẽ không dạy bạn nhiều bằng việc hoàn thành một câu chuyện.
9. Quy tắc số 9: Viết danh sách để thử nghiệm những hướng đi mới
Khi bạn gặp khó khăn, hãy lập danh sách những điều sẽ KHÔNG xảy ra tiếp theo. Chúng sẽ giúp bạn gỡ bỏ thế bí trong việc viết câu chuyện của mình.
Chỉ cần dành một chút thời gian thư giãn và đưa ra mọi tình huống có thể xảy ra sẽ mang lại cho bạn những điều vô cùng hữu ích. Bạn có thể bắt đầu bằng việc viết những cốt truyện kỳ lạ nhất để mở mang đầu óc. Trình bày từng tình huống trong một danh sách thậm chí có thể giúp bạn nảy ra một ý tưởng tuyệt vời mà bạn chưa từng nghĩ đến.
Mặc dù ý tưởng có thể đến với bạn mà không cần bất kỳ sự thúc đẩy nào, nhưng đôi khi chúng ta lo sợ rằng mình sẽ không bao giờ có thêm được những ý tưởng hay khác nữa. Nhưng bạn sẽ có. Có rất nhiều khả năng cho câu chuyện của bạn, chỉ cần tìm đúng chìa khoá để mở cửa thôi.
Viết danh sách là cách hoàn hảo để tìm ra hướng đi đúng đắn cho kịch bản của bạn. Bằng cách thử nghiệm những hướng đi mới, thậm chí nó có phần kỳ lạ, bạn sẽ tình cờ tìm được cách để mở khoá câu chuyện. Tất cả đều có trong đầu bạn.
10. Quy tắc số 10: Phải tìm ra những thứ truyền cảm hứng cho chúng ta từ những câu chuyện
Bỏ ngoài tai những câu chuyện mà bạn thích. Những gì bạn thích chỉ là một phần, bạn phải nhận ra điều gì đó trước khi sử dụng nó vào câu chuyện của mình.
Không có tài liệu nào là nguyên bản và quy tắc kể chuyện này của Pixar chứng minh điều đó. Không có gì đến từ con số không và chúng ta thường được truyền cảm hứng từ những câu chuyện khác mà chúng ta nghe và thấy. Đó là những câu chuyện đã thôi thúc bạn trở thành nhà biên kịch ngay từ đầu.
Nếu bạn xem xét kỹ hơn những câu chuyện đó, bạn sẽ tìm thấy điều gì thực sự đã thu hút bạn đến với chúng ngay từ đầu. Nhận ra điều đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện yêu thích của mình – cho dù đó là sách, phim hay thậm chí là lời bài hát – có thể giúp bạn mô phỏng thông điệp trong kịch bản phim của riêng bạn.
Pixar đã làm được điều này với nhiều bộ phim của riêng họ. Ví dụ, các bộ phim Bond và các anh hùng trong truyện tranh đã truyền cảm hứng cho The Incredibles (Gia đình siêu nhân). Trong khi Mousehunt có ảnh hưởng rất lớn đến Ratatouille (Chú chuột đầu bếp).
Nếu bạn có thể tìm thấy một phần của chính mình trong những câu chuyện mà bạn thích, bạn đang trên con đường tạo ra một thứ gì đó “nguyên bản”. Nó có thể chưa bao giờ được thực hiện trước đây, nhưng sau đó mọi thứ đã được thực hiện.
11. Quy tắc số 11: Biến ý tưởng trong đầu hiện hữu trên mặt giấy
Hãy viết ý tưởng ra giấy và bắt đầu sửa chữa. Nếu có một ý tưởng tuyệt vời luôn ở trong tâm trí, bạn sẽ không bao giờ chia sẻ nó với bất kì ai.
Quy tắc này đúng với tất cả các loại công việc sáng tạo, đặc biệt là viết kịch bản. Ý tưởng mới trong đầu bạn có thể rất tuyệt vời, nhưng nó chỉ là một ý tưởng và nó sẽ vẫn còn trừu tượng và khó hiểu.
Tuy nhiên, nếu bạn đưa ý tưởng trong đầu đặt lên mặt giấy, thì những gì từng là trí tưởng tượng đã trở thành một thứ có thể nhìn thấy được bằng đôi mắt của chúng ta – nó trở thành hiện thực. Bây giờ nó là một khả năng và bạn có thể chia sẻ nó với những người khác.
Bằng cách này, bạn có thể bắt đầu sắp xếp cốt truyện, phát triển các nhân vật của mình và thấy rõ điều gì hiệu quả và điều gì không.
Hãy có niềm tin rằng câu chuyện sẽ phát triển vì kể chuyện không phải là một bài tập về sự hoàn hảo. Đó là một quá trình xây dựng, thử và sai. Chỉ bằng cách biến ý tưởng của bạn thành hiện thực, bạn mới bắt đầu quá trình này.
Nguồn: Industrial Scripts
Và nếu bạn muốn hiểu rõ sức mạnh của Storytelling trong chiến lược marketing là gì? Đừng ngần ngại đăng ký ngay khóa học “STORYTELLING – Liều thuốc tiên cho marketing BẤT ĐỘNG SẢN” để khám phá những kiến thức đầy đủ nhất về dạng tiếp thị này nhé!
Liên hệ HOTLINE để được tư vấn chi tiết.